Từ ngày 22 đến ngày 23 tháng 5 năm 2023, theo kế hoạch của Trường Đại học Công đoàn, Khoa Xã hội học tổ chức đưa sinh viên khóa XH24A,B,C tham gia nghiên cứu thực địa tại địa bàn xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Chuyến đi đã diễn ra tốt đẹp và gặt hái được nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng về chủ đề “Việc làm, thu nhập của người dân xã Cao Sơn trong chuyển đổi kinh tế, phát triển du lịch”, chặng đường khảo sát của sinh viên cũng để lại những hình ảnh tuyệt đẹp được lưu giữ trong ký ức của người dân địa phương về sinh viên Trường Đại học Công đoàn.
Buổi trao đổi nghiên cứu giữa Khoa Xã hội học và Chính quyền địa phương xã Cao Sơn diễn ra trong không khí trang nghiêm và cởi mở. Thành phần tham dự chương trình, về phía chính quyền địa phương có: Sầm Đại Thiểu – Ủy viên thường vụ Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Công đoàn xã; Bùi Minh Châu – Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã; Bùi Thị Liên – Bí thư đoàn xã. Về phía Khoa Xã hội học có TS. Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Trưởng Khoa, Phụ trách Khoa; TS. Phạm Thị Kim Xuyến – Tổ trưởng Công đoàn Khoa; TS. Vũ Thị Bích Ngọc – Giảng viên, Giáo viên chủ nhiệm khoá XH24; cùng toàn thể giảng viên trong Khoa.
Quang cảnh buổi gặp gỡ và trao đổi nghiên cứu giữa Khoa Xã hội học và Chính quyền xã Cao Sơn
Khai mạc chương trình, TS. Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Trưởng Khoa, Phụ trách Khoa nhận định, tỉnh Hoà Bình trong tương lai sẽ trở thành tiềm năng “vàng” cho phát triển kinh tế du lịch. Sự phát triển du lịch nhờ vào thế mạnh của cảnh đẹp thiên nhiên, phong cảnh sông núi hữu tình và quan trọng nhất là nét đẹp của văn hóa người dân tại tỉnh Hòa Bình vô cùng khiêm nhường, thân thiện. Trong đó, việc lựa chọn khảo sát tại xã Cao Sơn sẽ cho thấy rõ nét về sự biến đổi từ nền kinh tế nông nghiệp thuần túy trở thành kinh tế du lịch chủ đạo trong những năm gần đây. Tuy nhiên, công việc này không dễ vì để thấy được sự chuyển dịch kinh tế đó thì trước hết các sinh viên Khoa Xã hội học phải bắt đầu tìm hiểu từ những điều nhỏ nhất về sinh hoạt, nơi làm việc, đời sống văn hóa, tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng địa bàn, … Những mảnh ghép đó giữa các nhóm sinh viên được chia ra nghiên cứu thực địa tại từng bản, thôn, xóm, khu dân cư tại xã Cao Sơn sẽ bổ sung vào một kết quả nghiên cứu cốt lõi cho chủ đề “lao động, thu nhập người dân” tại đây.
Kết luận lại, TS. Nguyễn Mạnh Thắng gửi lời cảm ơn đến Chính quyền xã Cao Sơn đã giúp đỡ và tạo điều kiện về an ninh để giữ gìn an toàn tuyệt đối cho sinh viên khảo sát, cũng như yêu cầu các sinh viên thể hiện văn hóa, tác phong nghiêm túc trong quá trình tham gia khảo sát tại xã.
TS. Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Trưởng Khoa, Phụ trách Khoa phát biểu khai mạc
Tiếp tục chương trình trao đổi và nghiên cứu, ông Bùi Minh Châu – Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã – thay mặt phía lãnh đạo xã Cao Sơn báo cáo tình hình chung về kinh tế – xã hội tại địa phương. Ông cho biết, xã Cao Sơn được hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 xã Cao Răm, Trường Sơn, Hợp Hòa theo Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; xã được sáp nhập chính thức ngày 31/12/2019; đi vào hoạt động xã mới từ ngày 01/01/2020. Địa hình trong xã chủ yếu là đồi, núi. Các khu dân cư tập chung sinh sống dọc theo chân núi và các bờ sông, suối có mặt bằng hẹp. Xã Cao Sơn có 17 xóm với 2.297 hộ, trên 10.800 nhân khẩu, có 3 dân tộc chính chung sống là Mường, Kinh, Dao.
Theo ông Bùi Minh Châu, tổng số lao động trong độ tuổi của xã 6.975 người, lao động nam là 3.870 người, chiếm 55,4%; lao động có việc làm 6.907 người, đạt 99%. Lao động nữ là 3.327 người; lao động chưa có việc làm 250 người; Giải quyết việc làm mới năm 2022 được 305 người, đạt 101%. Hoạt động kinh tế từ 3 nguồn chủ yếu là: Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và chăn nuôi; thương mại, dịch vụ; sản xuất công nghiệp.
Ông Bùi Minh Châu – Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã – báo cáo tình hình kinh tế – xã hội ở địa bàn xã Cao Sơn
Bên cạnh đó, địa phương có lợi thế gần với thị trấn, khu công nghiệp, nhà máy và có tuyến giao thông thuận lợi, ngoài ra xã còn có 4 hang động được công nhận di tích cấp quốc gia (Hàng Chổ, hang Núi Sáng là di tích khảo cổ; hang Mãn Nguyện, Hang Khụ Thượng, di tích danh lam thắng cảnh và 01 cây đa di sản), có nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, lưu trú, Homestay phát triển vì vậy lao động tham gia thương mại, dịch vụ khoảng 2800 người, chiếm khoảng 40% tổng số lao động. Tạo ra khoảng 201.790 triệu đồng, chiếm khoảng 48% tổng cơ cấu kinh tế địa phương.
Các sinh viên chăm chú lắng nghe và ghi chép thông tin từ báo cáo viên
Thông qua bài báo cáo, ông Bùi Minh Châu đã trình bày ngắn gọn và xúc tích về tình hình chung kinh tế – xã hội, vấn đề lao động, việc làm của người dân xã Cao Sơn. Các thông tin đó trở thành nguồn tư liệu quý báu đối với Thầy và trò Khoa Xã hội học nhằm củng cố nền tảng kiến thức trước khi bước vào khảo sát thực địa tại địa bàn 17 xóm của xã Cao Sơn.
Kết thúc báo cáo, ông Châu thay mặt lãnh đạo chính quyền xã Cao Sơn gửi lời cảm ơn chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất đến lãnh đạo Khoa Xã hội học, đồng thời ông cũng gửi lời động viên đến các sinh viên nỗ lực khảo sát để có những phát hiện và kết quả nghiên cứu ấn tượng, tìm ra những điểm còn thiếu, điểm còn dang dở và khai phá được các tiềm năng, thế mạnh còn chưa sáng tỏ tại xã Cao Sơn.
Khoa Xã hội học và Chính quyền xã Cao Sơn chụp ảnh lưu niệm tại Bản Mường Xanh – Nông trại vui vẻ, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Khoa Xã hội học tặng hoa và chụp ảnh kỉ niệm với chị Vũ Thị Mỹ Liên và anh Nguyễn Thành Công – chủ nhân
Bản Mường Xanh (Nông trại vui vẻ) tại xã Cao sơn
Thêm vào đó, các nhóm sinh viên trước khi đi khảo sát thực tiễn đều được các giảng viên tận tình hướng dẫn bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản nhằm đa dạng hóa thông tin thu thập, quảng bá nét đẹp văn minh, thanh lịch của Trường Đại học Công đoàn. Sự am hiểu về con người là chìa khóa cho quá trình tìm kiếm, thu thập và xử lý thông tin. Các sinh viên cần phải nắm bắt được tình hình thực tế của khu vực khảo sát, màu sắc dân tộc và đảm bảo các văn hóa, phong tục bản sắc của các dân tộc tại xã. Đối tượng khảo sát và khu vực phải được quan sát, chia nhỏ khảo sát để đảm bảo tính khách quan, tính khoa học. Đó là bài giảng hữu ích xuất phát từ kinh nghiệm khảo sát của các Thầy, Cô trong Khoa, điều đó sẽ là điểm tựa vững chắc cho sinh viên tìm hiểu thấu đáo được thực tiễn của chủ đề nghiên cứu.
TS. Nguyễn Mạnh Thắng trao đổi quy trình khảo sát đối với từng khu vực, địa bàn trong xã Cao Sơn
TS. Phạm Thị Kim Xuyến hướng dẫn sinh viên cách thức khảo sát trước khi trực tiếp khảo sát người dân
Ngoài ra, chương trình giao lưu văn hóa – văn nghệ giữa Khoa Xã hội học và Ủy ban Nhân dân xã Cao Sơn diễn ra vô cùng sôi động. Các sinh viên Khoa Xã hội học và đội biểu diễn văn nghệ của địa phương tích cực biểu diễn hết mình trên sân khấu đem lại không khí vui tươi, mới mẻ và tràn đầy khí thế. Nhân dịp này, ông Bùi Văn Điệp – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND – đã thay mặt lãnh đạo Chính quyền xã Cao Sơn hát tặng Khoa Xã hội học – Trường Đại học Công đoàn bài hát “Hòa Bình ơi, Việt Nam ơi”. Ông Điệp bày tỏ, bài hát này là thông điệp tình cảm chung nhất mà người dân tại xã Cao Sơn dành cho Trường Đại học Công đoàn nói chung và Khoa Xã hội học nói riêng./.
Ông Bùi Văn Điệp – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã – hát song ca
bản tình ca “Hòa Bình ơi, Việt Nam ơi” trong đêm giao lưu văn nghệ
Dưới đây là một số hình ảnh sinh viên khảo sát thực địa tại xã Cao Sơn:
Nhóm sinh viên tìm kiếm và khảo sát khu dân cư sinh sống tại xóm Bằng Gà, xã Cao Sơn
TS. Nguyễn Mạnh Thắng chỉ dẫn nhóm sinh viên tìm kiếm khu dân cư để tiến hành khảo sát tại xóm Suối Bu, xã Cao Sơn
Các Thầy, Cô và sinh viên khóa XH24A,B,C chụp ảnh lưu niệm tại Bản Mường Xanh (Nông trại vui vẻ) tại
xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình
Nguồn: Trần Quang Khải – Khoa Xã hội học – Trường Đại học Công đoàn